Monday, August 1, 2016
Giáo sư NGUYỄN ĐĂNG THỤC (1908-1999):
Một vị Thầy được sinh viên quý trọng
Trên một chuyên san nghiên cứu về Việt Nam với nhan đề Journal of Vietnamese Studies do Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Center for Southeast Asia Studies) thuộc Đại học California tại Berkeley ấn hành, trong số mùa Thu năm 2015 vừa qua, có đăng một bài về
Giáo sư Nguyễn ĐăngThục. Bài viết mang nhan đề “The Promotion of Confucianism in South Vietnam (1955-1975) and the Role of Nguyen Dang Thuc as a New Confucian Scholar,” có thể tạm dịch là “Sự đề cao Khổng học ở Nam Việt Nam (từ 1955 tới 1975), và vai trò của Nguyễn Đăng Thục như một nhà Khổng học mới.” Tác giả bài viết là Nguyễn Tuấn Cường, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, kiêm Giảng viên phụ trách môn Hán Nôm tại khoa Văn học của trường này.
Trong bài viết, tác giả trình bày việc nghiên cứu và phát huy Khổng học tại miền Nam VN trong giai đoạn 1955-1975 (đối chiếu với miền Bắc cũng trong giai đoạn ấy), đặc biệt là vai trò cùng những đóng góp của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục. Trong việc chọn đăng bài của ông Nguyễn Tuấn Cường, các giáo sư, học giả trong nhóm chủ biên Journal of Vietnamese Studies đã muốn giới thiệu cuộc đời cùng những hoạt động mang tính cách văn hóa của một trí thức tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn đất nước bị chia đôi với học giới quốc tế.
Những năm đầu của cuộc đời và việc học
Các tài liệu về Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đưa ra nhiều năm sinh khác nhau. Một số tài liệu ghi 1907. Một số khác ghi 1909. Lại có tài liệu như Văn Học Từ Điển của Thanh Tùng (Saigòn : Khai Trí, 1974) ghi 1913. Sinh ra ở vùng quê từ đầu thế kỷ trước, mấy năm sau mới làm giấy khai sinh, tuổi ghi trên giấy tờ (1907) ít khi đúng sự thật. Sau nhiều cân nhắc, đối chiếu, chúng tôi thấy tài liệu ghi ngày 19 tháng 9 năm 1908, tức ngày 24 tháng 8 năm Mậu Thân, có vẻ hợp lý hơn cả (những ngày tháng trên cũng phù hợp với nhau trong âm dương lịch đối chiếu). Ông sinh ra tại quê, làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học và khoa bảng.
Thuở nhỏ, ông học Tiểu học ở trường làng. Sự liên lạc mật thiết giữa tuổi trẻ và đồng quê đã ảnh hưởng sâu đậm đến những tác phẩm đầy đặc tính dân tộc sau này. Sau khi thi đậu vào trường Trung học Albert Sarraut, ông lên Hà Nội học.
Năm 1927 ông sang du học ở Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ.
Năm 1928-1929, ông đậu bằng Tú tài I và II (cả hai ban Triết học và Toán) tại Marseilles, miền Nam nước Pháp. Sau đó, ý thức rằng sức mạnh các cường quốc dựa trên khoa học và kỹ nghệ nên ông theo học trường Quốc gia Công Mỹ nghệ (École nationale des Arts) thuộc Đại học Lille ở Roubais, miền Bắc nước Pháp. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Hóa học và trở về nước năm 1934. Trong thời gian ở Pháp, ông cũng tới dự một số lớp về Triết học Đông phương tại Đại học Sorbonne (Paris).
Những hoạt động đầu tiên
Ngay sau khi hồi hương, năm 1935 ông đã cùng hai nguời bạn tân học là Bùi Ngọc Ái và Vũ Đình Di xuất bản một tạp chí văn hóa chính trị bằng tiếng Pháp, lấy tên là L’Avenir de la Jeunesse (Tương lai của tuổi trẻ) ở Hà Nội. Năm 1937, ông làm bỉnh bút (biên tập viên) cho báo Le Travail (Lao động). Không bao lâu, báo này bị đình bản. Vì sinh kế, ông đành dùng bằng Kỹ sư vào làm việc cho nhà máy tơ Nam Định. Trong thời gian ấy, ông phác thảo tác phẩm đầu tay, Tinh thần Khoa học Đạo học (1939). Tác phẩm này phản ảnh một tư duy quan trọng của ông: dung hòa tinh thần khoa học của Tây phương với tinh thần đạo học của Đông phương.
Không ở lâu với chủ nhân người Pháp, năm 1944 ông lập nhà máy riêng ở Thụy Khê, ngoại ô Hà Nội, đồng thời làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Duy Nhất với sự cộng tác của Chu Thiên Hoàng Minh Giám. Chủ trương của tạp chí này là tiếp tục những cố gắng hòa đồng tư tưởng Đông Tây đã vạch ra trong Tinh thần Khoa học Đạo học, đồng thời phổ biến những phát kiến mới của ông về yếu tính văn hóa Việt Nam. Chủ trương hòa đồng Đông Tây của nhà tư tưởng Nguyễn Đăng Thục cũng phần nào tương tự đôi câu đối trước cổng trường Trung học Petrus Ký ở Sàigòn:
Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm.
Tuy nhiên, theo Nguyễn Đăng Thục, “đạo học Đông phương” gồm cả tinh thần hòa đồng tam giáo (Nho, Phật, Lão) với bản sắc dân tộc của Việt Nam chứ không phải chỉ có “Khổng Mạnh cương thường.”
Năm 1945, lúc cao trào giành độc lập lên cao, ông cộng tác với một số tạp chí chính trị và tham gia kháng chiến chống Pháp bằng cách làm Kỹ sư cho Công binh xưởng Liên khu Ba. Vì tư tưởng về văn hóa chính trị không thích hợp với đường lối Cộng sản nên năm 1948, ông trở về Hà Nội. Lúc đầu ông làm giảng viên, phụ trách lý thuyết quốc gia kinh tế xã hội cho trường Dân Huấn Vụ, rồi làm Phó Giám đốc Học vụ cho trường này.
Qua năm sau, 1949, ông được mời diễn giảng về Triết học Đông phương tại Đại học Văn khoa Việt Nam, mới thành lập ở Hà Nội. Tới năm 1953, khi vị Khoa trưởng Ngô Thúc Địch tạ thế, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư, Khoa trưởng Đại học Văn khoa, đồng thời được bầu làm Phó Chủ tịch Văn hóa Hiệp hội. Ông cũng được ủy nhiệm làm Chủ bút của tập san Văn Hóa Tùng Biên, cơ quan văn hóa của Hiệp hội này.
Năm 1954, đất nước bị chia đôi, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục theo Đại học Văn khoa di cư vào Nam. Đã tới tuổi 46, vượt qua mức “tứ thập nhi bất hoặc,” ông hăng hái dấn thân vào một giai đoạn hoạt động giáo dục và văn hóa rất tích cực.
Hoạt động giáo dục & văn hóa tại miền Nam, 1954-1975
1954-55:
--Tiếp tục giảng dạy Triết học Đông phương tại Đại học Văn khoa Sàigòn;
--Chủ sự Nha Văn hóa;
--Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Văn nghệ Tập san.
1956:
--Đại diện Việt Nam Cộng Hòa, tham dự hội nghị các nhà văn tự do Á châu tại New Delhi, thuyết trình về “Nghệ thuật của chùa Một Cột.”
1957:
--Qua Paris tiếp xúc với phong trào “Văn hóa Tự do.”
1958:
--Sáng lập và làm Chủ tịch “Hội Việt Nam Nghiên Cứu, Liên Lạc Văn Hóa Á Châu,” đồng thời làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tập san Văn Hóa Á Châu.
--Dạy thêm tại Đại học Sư phạm Sàigòn.
1959:
--Tham dự hội nghị các triết gia Đông Tây lần thứ ba tại Đại học Hawaii (Hoa Kỳ), thuyết trình về đề tài “Triết lý nhân bản Trần Thái Tông.”
--Tham dự hội nghị kỷ niệm Ngũ thập chu niên Hội Nghiên cứu Miến điện, thuyết trình về đề tài “Tổng hợp Văn hóa Việt Nam.”
Từ 1961 đến 1964:
--Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sàigòn, kiêm Trưởng ban Triết học Đông phương;
--Trưởng Tiểu ban Văn hóa của UNESCO Việt Nam.
1963:
--Góp công xây dựng và dạy Triết học Đông phương cho trường Cao đẳng Phật học tại chùa Pháp Hội, Sàigòn. Trường này là tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Trong những năm 1964-65, Gs. Nguyễn Đăng Thục bị một số trí thức thiên tả tiếp xúc. Họ vận động, đề nghị ông ký chung với họ một bản kiến nghị, yêu cầu chính phủ VNCH điều đình với phe “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (do Hà Nội dựng ra) để “chấm dứt chiến tranh.” Trước thảm họa cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt, ông nhận lời. Do hành động này, ông bị nhà cầm quyền bắt ngưng việc giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sàigòn nhưng do uy tín sẵn có, bản thân ông không gặp trở ngại, khó khăn nào.
Từ 1965 trở đi, ông nghiên cứu Quốc học tại Viện Khảo cổ Việt Nam.
Từ 1968: Được mời dạy Triết học Đông phương tại Đại học Huế.
1969: Tham dự hội nghị Văn hóa Xã hội ASPAC (Asian Pacific Studies) tại Seoul (Hán thành), Nam Hàn, thuyết trình về đề tài “Thế quân bình văn hóa Việt Nam.”
1970-75:
--Được mời làm Khoa trưởng, Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn tại Viện Đại học Vạn Hạnh.
--Được mời dạy thêm tại các Đại học Đà Lạt, Cần Thơ.
TT Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh trao bằng Tiến sĩ Danh dự tới Gs. Nguyễn Đăng Thục.
(Hình do Hội Ái hữu Cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh cung cấp)
Năm 1974, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, ông được nhà trường trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự. Nhân dịp này, Giáo sư Khiếu Đức Long, cựu sinh viên Đại học Văn khoa Sàigòn và cũng là phụ khảo của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục tại Đại học Vạn Hạnh, đã kính tặng thầy mình cặp câu đối, ví Giáo sư Nguyễn Đăng Thục như sao Bắc đẩu, núi Thái sơn:
Đẩu tinh ngời sáng Đông Tây, quốc học phát huy Nho, Đạo, Thích
Thái lĩnh ngất cao Âu Á, văn khoa xây dựng Bắc, Trung, Nam.
Cũng trong thời gian này, ông biên khảo và dịch thuật rất nhiều. Theo Giáo sư Ngô Trọng Anh trong bài “Giới thiệu tiểu sử và văn nghiệp Giáo sư Nguyễn Đăng Thục” đọc trong buổi lễ trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự tổ chức tại Viện Đại học Vạn Hạnh ngày 4 tháng 5 năm 1974, thì cho tới lúc đó, số tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã lên tới “trên 50.” Xin xem trong phần Phụ lục ở cuối bài viết này.
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục viết nhiều về văn hóa Á châu, triết học Đông phương, làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Văn Hoá Á Châu trong những năm đầu của Nam Việt Nam (1954-60). Việt Nam Cộng Hòa đang cần những thân hữu ở Đài Loan, Nam Hàn… Từ 1961 trở đi, ông nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam, đi tìm những điểm tương quan giữa văn hóa Việt Nam với văn hoá Đông Nam Á. Từ 1967-68 trở đi, ông chuyên tâm về Phật học và Thiền học: viết Thiền học Việt Nam, Thiền học Trần Thái Tông, dịch và chú thích Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, dịch và chú giải tư tưởng một nhà Phật học người Trung Hoa thời Bắc thuộc là Mâu Bác. Nhưng trên tất cả, mối quan tâm chính của ông vẫn là dân tộc tính và lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Gs. Ngô Trọng Anh tuyên đọc tiểu sử của Gs. Nguyễn Đăng Thục.
(Hình do Hội Ái hữu Cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh cung cấp)
Một vị thầy được nhiều người mến trọng
Sau biến cố 30-4-1975, Viện Đại học Vạn Hạnh bị đóng cửa. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục ẩn cư tại tư gia, số 9/7 đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận, thành phố Sàigòn, vui với sách vở, hoa cảnh vườn nhà, “an bần lạc đạo.” Ông tiếp tục viết và biên khảo. Các sinh viên cũ vẫn đến thăm giáo sư. Trong cuộc đời dạy học, ông rất được kính mến vì tận tâm với nghề nghiệp và gần gũi sinh viên. Họ đã tổ chức lễ mừng thọ năm ông được 88 và 90 tuổi. Lễ mừng thọ 88 được tổ chức ngày 19 tháng 2-1995. Lễ mừng thọ 90 được tổ chức ngày 2 tháng 3-1997. Tin từ Sàigòn cho biết tuy vóc dáng gầy gò, giáo sư vẫn mạnh khỏe, đi lại không cần chống gậy. Giọng nói của ông vẫn mạnh và rõ.
Giáo sư tạ thế lúc 4 giờ chiều ngày Thứ Tư, 2 tháng 6 năm 1999 tại tư gia, nhằm ngày 19 tháng 4 năm Kỷ Mão, hưởng thọ 92 tuổi. Ngay khi Cáo Phó của gia đình được đăng trên báo chí trong nước, hàng trăm sinh viên Đại học Văn khoa cũ đã đến viếng vị thầy khả kính. Trong những ngày linh cữu quàn tại tư gia, hàng ngàn sinh viên thuộc Đại học Văn khoa và Đại học Vạn Hạnh tấp nập tới viếng. Lúc di quan, hàng trăm sinh viên có mặt để tiễn thầy. Sinh viên Văn khoa để tang tập thể: nam mặc chemise trắng, quần đen, thắt cà-vạt đen, nữ mặc áo dài trắng, tất cả đều thắt khăn tang. Sau lễ hỏa táng ngày Chủ Nhật 6 tháng 6-1999, tro cốt và linh vị của cố giáo sư được đưa về thờ tại Thanh Minh thiền viện, đường Trương Tấn Bửu, quận Phú Nhuận, Sàigòn.
Tin Giáo sư Nguyễn Đăng Thục tạ thế ra tới hải ngoại. Cựu đồng nghiệp và sinh viên cũ ở nhiều nơi tổ chức tưởng niệm và cầu siêu: Nam California ngày 12 tháng 6-1999, Montreal, Canada ngày 26 tháng 6-1999, miền Đông Hoa Kỳ ngày 19 tháng 7-1999.
Trong buổi lễ tưởng niệm ngày 12 tháng 6-1999 tại Westminster, California, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, nguyên Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sàigòn (người kế nhiệm Giáo sư Nguyễn Đăng Thục), đã phát biểu như sau, “Ông (Gs. Nguyễn Đăng Thục) là một trong những đại thụ của Đại học Văn khoa Sàigòn với tuổi đời dàn trải gần suốt chiều dài thế kỷ và hoạt động văn hóa có thể nói là gắn bó mật thiết với từng hòn đất, ngọn cỏ Việt Nam … ‘Triết nhân nhật viễn’ (Triết nhân mỗi ngày một xa vời), nhưng hình bóng và kỷ niệm Nguyễn Đăng Thục sẽ còn tồn tại lâu dài trong tác phẩm, trong tâm tư bằng hữu và môn sinh của ông.” Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch cũng nhắc lại một câu Giáo sư Nguyễn Đăng Thục vẫn thường nói, “Chúng ta chỉ có thể hoàn toàn là chúng ta khi thể hiện được nguồn gốc của chính mình.”
Để kết thúc bài này, chúng tôi xin giới thiệu bài thơ mừng thọ khi Giáo sư Nguyễn Đăng Thục được 88 tuổi năm 1995. Tác giả bài thơ này là nhà giáo Nguyễn Đình Niên, cựu sinh viên chứng chỉ Triết Đại học Văn khoa Huế, về sau là giáo sư trường Đồng Khánh, Huế:
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục sinh được 7 người con. Trưởng nam là ông Nguyễn Đăng Thạch và 3 người em vẫn sống ở trong nước. Hiện nay có 3 người (1 nam, 2 nữ) ra sống ở nước ngoài.
Cụ bà Nguyễn Đăng Thục năm nay (2016) 99 tuổi. Với tuổi thọ đã cao, cụ không còn được minh mẫn như trước. Hiện vẫn sống ở căn nhà cũ với hai người con, một trai, một gái. Cụ và các con sống một cách lặng lẽ, giữ nếp nhà. Môn sinh cũ của giáo sư phần đông đã cao tuổi, phân tán ở nhiều nơi, một số cũng đã khuất núi.
Gia đình Gs. Nguyễn Đăng Thục mong ước khi đọc những bộ sách, cuốn sách cố giáo sư để lại, mọi người sẽ nhận thấy rõ hơn những nguyện vọng cùng tâm huyết trong suốt cuộc đời tận tụy vì văn hóa dân tộc của giáo sư.
(Bổ túc từ bài viết trên Đặc san Bắc Ninh, do Hội Đồng hương Bắc Ninh tại Nam California ấn hành nhân đầu năm Bính Thân 2016)
Trần Huy Bích
Chú thích:
1. Journal of Vietnamese Studies, Vol. 10, No. 4 (Fall 2015), trang 30-81.
2. Nhắc ý câu thơ cổ “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” (Một mảnh lòng băng trong bình bằng ngọc), chỉ sự tinh khiết, thanh cao.
3. “Hạnh đàn” là cái nền cao, có trồng nhiều cây hạnh, nơi Khổng tử dạy học và nghỉ ngơi. “Sư biểu” là bậc làm biểu tượng cho các vị thầy. Ở Á Đông xưa, Khổng tử được coi là “vạn thế sư biểu.” Trong câu này tác giả Nguyễn Đình Niên muốn ví Gs. Nguyễn Đăng Thục như Khổng tử, và mong giáo sư vui tuổi thọ lâu dài trên hạnh đàn.
Gs. Nguyễn Đăng Thục đứng trước cửa thư viện Đại học Vạn Hạnh
nhân buổi triển lãm các tác phẩm của Giáo sư--Tháng 5 năm 1974
(Hình do Hội Ái hữu Cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh cung cấp)
TÁC PHẨM của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục
I. Tác phẩm bằng Việt ngữ
1. Dân tộc tính.
Sàigòn : Văn Hóa Vụ Bộ Thông Tin, 1955.
2. Đại quan tư tưởng : Thời đại nhà Trần (1225-1400).
Sàigòn : Viện Khảo Cổ, 1971.
3. Lịch sử triết học Đông phương (5 tập).
Sàigòn : Linh Sơn ; Khai Trí, 1956-64.
4. Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.
Sàigòn : Viện Khảo Cổ, 1968.
5. Lịch sử tư tưởng Việt Nam : tập 1, 2.
Sàigòn : Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, 1967-69.
6. Lịch sử tư tưởng Việt Nam : tập 4, 5, 6, 7.
Sàigòn : NXB Thành phố, 1992.
7. Phật giáo Việt Nam.
Sàigòn : Nam Cường, 1974.
8. Quốc học Việt Nam.
Sàigòn : Kinh Thi, 1975.
9. Thế giới thi ca Nguyễn Du.
Sàigòn : Kinh Thi, 1971.
10. Thiền của Vạn Hạnh.
Sàigòn : Kinh Thi, 1973.
11. Thiền học Trần Thái Tông.
Sàigòn : Nha Tu Thư và Sưu Khảo, Viện ĐH Vạn Hạnh, 1971.
12. Thiền học Việt Nam.
Sàigòn : Lá Bối, 1967.
13. Tinh thần khoa học đạo học.
Hà Nội : Việt Nam Văn Hóa Hiệp Hội, 1953.
Sàigòn : Khai Trí, 1967.
14. Triết học Đông phương nhập môn.
Sàigòn : Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1958-60.
15. Triết lý đối chiếu.
Sàigòn : Nhị Khê, 1973.
16. Triết lý nhân sinh Nguyễn Công Trứ.
Hà Nội : Nha Thông Tin Bắc Việt, 1950.
17. Triết lý văn hóa khái luận.
Sàigòn : Văn Hóa Á Châu, 1956, 1959.
18. Tư tưởng bình dân Việt Nam.
Sàigòn : Khai Trí, 1964.
19. Văn hóa Việt Nam với Đông Nam Á.
Sàigòn : Văn Hóa Á Châu, 1961.
II.
Tác phẩm bằng Anh & Pháp ngữ
1. Asian Culture and Vietnamese Humanism.
Saigon : Vietnamese Association for Asian Cultural Relations, 1965.
2. De la démocratie dans la société traditionelle vietnamienne.
Saigon : Ministère de l’Éducation nationale, 1961.
3. Democracy in Traditional Vietnamese Society.
Saigon : Directorate of Cultural Affairs, Ministry of Education, 1961.
4. The Origins of the Vietnamese People.
Saigon : Directorate of Cultural Affairs, Ministry of Education, 1960.
III.
Dịch thuật
1. Đại học.
Hà Nội : Tứ Hải, 1949.
2. Khóa hư lục của Trần Thái Tông.
Sàigòn, 1973.
3. Lý hoặc luận của Mâu Bác.
Sàigòn, 1974.
IV.
Chưa xuất bản
Chùa Một Cột (thơ)
Lão học và Phật học.
Nguyễn Trãi.
Nguyễn Cư Trinh.
Núi Yên tử với thiền học Việt Nam.
Tam giáo truyền kỳ mạn lục.
Thiền học Việt Nam từ Vô Niềm đến Vô Tâm.
Truyền thống thiền từ Huệ Năng đến Trần Thái Tông.
Trần Từ Mai
http://tranhuybich.blogspot.com/