banner




GIỚI THIỆU SÁCH

Hai Cuốn Sách Hữu Ích do Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ thuộc Đại Học Oregon Xuất Bản
HAI CUỐN SÁCH HỮU ÍCH
do Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ
thuộc Đại học Oregon xuất bản



Biến cố 30 Tháng Tư 1975 mang lại sự đổi đời cho hàng triệu người Việt bởi những chính sách phân biệt và hà khắc của chính quyền mới như tù cải tạo, đánh tư sản, kinh tế mới, phân biệt lý lịch, v.v… Kết quả đã đưa đến việc nhiều người phải bỏ nước ra đi để tìm môi trường tự do và dân chủ hơn, với số đông tỵ nạn và định cư tại Hoa Kỳ. Tuy đã gần 50 năm nhưng lịch sử Việt Nam của thế kỷ 20, lịch sử cuộc chiến Nam-Bắc, và lịch sử của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại vẫn chưa thật sự được nghiên cứu và hiểu rõ một cách tường tận và công bằng nhất có thể, bởi lịch sử được viết, ở Việt Nam hoặc ở Hoa Kỳ, đa số đều bị chi phối bởi thế lực chính trị của những người thắng cuộc và người có quyền lực.

Thành vì vậy, có nhiều giai đoạn và sự kiện trong lịch sử, cho đến bây giờ, vẫn còn bị bóp méo hoặc nhầm tưởng. Điển hình nhất là sự là sự bóp méo và nhầm tưởng về Việt Nam Cộng Hoà và những di sản của thể chế ấy, trong đó là sự chuyển tiếp của di sản mang tính cộng hoà (được phát triển trong thời Việt Nam Cộng Hoà) trong sự hình thành những cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Vì lẽ đó, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ tại trường Đại học Oregon đã nỗ lực xuất bản hai công trình nghiên cứu quan trọng nhằm đặt nền tảng cho việc nghiên cứu kỹ, sâu, và công bằng hơn về những giai đoạn lịch sử đã từng bị xoá bỏ hoặc cố tình quên lãng. Hai công trình nghiên cứu này là: -Building a Republican Nation in Postcolonial Vietnam, 1920-1963 (NXB Đại học Hawaii, 2022); –Toward A Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory (NXB Đại học Temple, 2023).

Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Ở Việt Nam, 1920-1963 là tập nghiên cứu do tiến sĩ Tường Vũ (Đại học Oregon) và tiến sĩ Nữ-Anh Trần (Đại Học Conneticut) đồng chủ biên và được nhà xuất bản Đại Học Hawaii xuất bản vào ngày 31 Tháng Mười Hai 2022. Công trình này tập hợp mười một bài viết của các nhà sử học, khoa học chính trị, văn học và xã hội học (Peter Zinoman, Nguyễn Lương Hải Khôi, Martina Thucnhi Nguyen, Yen Vu, Duy Lap Nguyen, Jason A. Picard, Cindy Nguyen, Hoàng Phong Tuấn, Nguyễn Thị Minh, và Y Thien Nguyen), với cách nhìn và tư liệu lịch sử mới mẻ về sự phát triển của chủ nghĩa cộng hòa từ thời thuộc địa đến thời Đệ nhất Cộng hòa của Việt Nam (1955-1963).

Chủ nghĩa Cộng hòa là một xu hướng chính trị lớn của thế giới bắt nguồn từ Cách mạng Pháp và lan sang Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa thông qua các tác phẩm của các nhà tư tưởng Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu. Tư tưởng và tinh thần của Chủ nghĩa Cộng hòa đặt quyền lợi quốc gia trên hết, ủng hộ dân chủ, các quyền phổ biến của con người, quyền tự do chính trị và xã hội, và chế độ pháp trị. Những ý tưởng này đã truyền vào suy nghĩ của các nhà cải cách và cách mạng Việt Nam từ những năm 1900 trở đi, trong đó có nhiều người đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Chủ nghĩa Cộng hòa cũng là một trong những nguồn cảm hứng chính cho việc thành lập Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam vào năm 1955. Các nhà lãnh đạo và các nhóm đã giúp thành lập nhà nước mới của Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và tích cực tranh đấu để biến lý tưởng của họ thành hiện thực trong một bối cảnh hậu thuộc địa cực kỳ khó khăn. Do phe cộng sản với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga và Trung Cộng chiến thắng trong nội chiến với Việt Nam Cộng Hòa, các nhà báo và học giả phương Tây thường nhầm tưởng đảng cộng sản là đại diện chính thống duy nhất của dân tộc Việt nam trong lịch sử hiện đại. Thực sự những người cộng sản chỉ là một thiểu số rất nhỏ, và là thiểu số cực đoan nhất, trong hàng ngũ những người đấu tranh giành độc lập của Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20.

Những người cộng sản không phải không có tinh thần dân tộc, nhưng họ coi đấu tranh giai cấp và tình đoàn kết vô sản quốc tế quan trọng hơn quyền lợi của dân tộc. Mặc dù cộng sản giành được quyền cai trị Việt Nam từ năm 1975, chủ nghĩa cộng hòa đã định hình sâu sắc Việt Nam hiện đại và ngày nay đang trở lại thách đố chế độ cộng sản với những yêu cầu dân chủ hoá và nhân quyền.

Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký Ức là tập nghiên cứu do tiến sĩ Linda Ho Peche (ViDDA), tiến sĩ Alex-Thái Đình Võ (Đại học Texas Tech), và tiến sĩ Tường Vũ đồng chủ biên và do Nhà xuất bản Đại học Temple xuất bản vào ngày 10 Tháng Hai 2023. Với con số trên hai triệu người, người Mỹ gốc Việt là nhóm người tỵ nạn lớn nhất được tái định cư trong lịch sử Hoa Kỳ. Họ đang đóng góp nhiều vào sự phát triển xã hội, chính trị và kinh tế ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Tập sách này là một nỗ lực tiên phong trong việc xây dựng một cách tiếp cận tổng thể để nghiên cứu, giảng dạy, và học hỏi về cộng đồng năng động này.

Đây cũng là quyển sách đầu tiên làm cầu nối giữa học thuật về ngành Lịch sử Việt Nam hiện đại với học thuật về người Mỹ gốc Việt (ngành Chủng tộc học). Cuốn sách bao gồm 14 chương bên cạnh phần giới thiệu của chủ biên. Những tác giả (Y Thien Nguyen, Van Nguyen-Marshall, Wynn Gadkar-Wilcox, Tuan Hoang, Elwing Suong Gonzalez, Ivan V. Small, Christian Collet, Jennifer A. Huynh, Nguyen Vu Hoang, Hai-Dang Phan, Duyen Bui, Quang Tue Chan, Thien-Huong Ninh, Thuy Vo Dang) có bài trong sách đến từ nhiều ngành học khác nhau và trình bày những nghiên cứu mới nhất.

Đặt người Mỹ gốc Việt vào vị trí trung tâm, cách tiếp cận của chúng tôi lần theo lịch sử của cộng đồng này từ xã hội sôi động và nền văn hóa phong phú của miền Nam Việt Nam tự do, sau đó đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống cộng đồng người Mỹ gốc Việt bao gồm các chủ đề như quan hệ với các chủng tộc khác, hoạt động kinh doanh của phụ nữ, và đời sống chính trị với các hoạt động ở địa phương, trên phạm vi quốc gia và xuyên quốc gia.

Phần thứ ba và phần cuối cùng tìm hiểu cách thức sáng tạo ra và lưu truyền trí nhớ và bản sắc tập thể trong cộng đồng. Tập sách này là một nguồn tài liệu tuyệt vời để thiết kế các khóa học đại học về người Mỹ gốc Việt, hoặc làm tài liệu tham khảo cho các lớp sau đại học về ngành Hoa Kỳ học, Dân tộc học, Người Mỹ gốc Á, Lịch sử Việt Nam hiện đại, Chiến tranh Việt Nam, Người tỵ nạn, và Người di cư. Hiện tại không có tập sách nào khác có thể đóng vai trò này.