banner




GIỚI THIỆU SÁCH

Giới thiệu cuốn “Thiên Chức của Nhà Giáo” của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

Giới thiệu cuốn

“Thiên Chức của Nhà Giáo”
của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

 
Trong cương vị một khoa học gia lỗi lạc và một nhà văn có tài, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã trước thuật và sáng tác rất nhiều. Theo một bản lược kê lập năm 2012, giáo sư đã viết 5 quyển sách về văn chương (trong đó có một quyển được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc Việt Nam Cộng Hòa năm tác giả 28 tuổi), 3 quyển sách về khoa học không gian được lưu trữ tại hơn 200 thư viện Đại học trên toàn thế giới, và vào khoảng 100 tiểu luận mang tính cách thâm cứu về toán học và quỹ đạo tối ưu. Ở tuổi ngoài 80, giáo sư gửi đến chúng ta thêm một tác phẩm nữa, với tựa đề “Thiên Chức của Nhà Giáo.”
 
Trong bài viết mang nhan đề “Những trăn trở của nhà giáo dục,” in trong cuốn “Từ Chiến Sĩ đến Khoa Học Gia” (Hoa Kỳ : Văn Đàn Đồng Tâm, 2008), nhà văn Tạ Xuân Thạc đã cho biết trong những chuyến đi tiếp xúc với giới trẻ ở khắp năm châu, khi được hỏi trong quãng đời làm công tác khoa học và sáng tác, công việc nào làm ông thích thú nhất, Giáo sư Vinh đã trả lời như sau:
 
“Trong dòng họ tôi, nguyên quán ở Nam Định, có rất ít người ra làm quan, dù rằng theo gia phả trong các tổ tiên đã có những người đỗ đại khoa, nhưng có xuất chính rồi ít lâu cũng cáo quan về nhà dạy học. Cũng vì vậy mà từ khi ra trường tôi đã đi theo những bước chân của các bậc tiền nhân mà chọn con đường giáo dục. Trải hương thơm theo gió, tôi muốn hoàn trả lại bốn phương những gì tôi đã thu lượm được trong cuộc đời tầm học, và như thế dạy học và viết những tài liệu khảo cứu là con đường hữu hiệu nhất để thực hiện điều này.”
 
Được coi là một nhân vật của khoa học ở tầm mức quốc tế, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã thành công rực rỡ trong nhiệm vụ “hoàn trả lại bốn phương những gì thu lượm được trong cuộc đời tầm học.” Giáo sư Daniel J. Scheeres, người có danh hiệu được đặt cho một hành tinh nhỏ năm 1999, được phong hàm “Distinguished Professor” tại University of Colorado năm 2014, khi liệt kê quá trình học vấn trong bản tiểu sử trên trang mạng của Đại học Colorado, đã hãnh diện ghi luận án Ph.D. của ông do Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh làm Chủ tịch (Chairman) Hội đồng duyệt xét luận án:
https://ccar.colorado.edu/scheeres/scheeres/assets/vita_scheeres.pdf
 
Tiến sĩ Trình Bang Đạt, sau được thăng cấp Trung tướng Không quân của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, học Giáo sư Vinh nhiều lớp trong thời gian theo học tại University of Michigan. Khi về thăm trường cũ, đã đến thăm Giáo sư Vinh tại nhà riêng. Tuy giữ địa vị trọng yếu, vẫn một niềm lễ phép theo lề lối Á Đông. Khi được giao phụ trách một chương trình chế tạo tại Đài Loan một loại phi cơ phản lực khu trục tương đương với F-16 của Không quân Hoa Kỳ, Tiến sĩ Trình Bang Đạt đã mời Giáo sư Vinh đóng góp vào chương trình, rồi trân trọng tặng thầy cũ một tấm bảng ghi công.
 
Giáo sư Robert D. Culp, Professor Emeritus của University of Colorado từ năm 2010, cũng từng được Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh hướng dẫn làm khảo cứu về phương pháp chuyển quỹ đạo khi Giáo sư Vinh dạy ở Đại học Colorado. Trong sưu tập ảnh kỷ niệm tại AAS/AIAA Astrodynamics Specialist Conference ở Girdwood, Alaska năm 1999, có một tấm đáng được ghi là “Bốn thế hệ khoa học gia không gian”: Giáo sư Vinh chụp hình chung với Tiến sĩ Jennie R. Johannesen và Giáo sư James M. Longuski, hai cựu sinh viên Tiến sĩ của ông, đều đã thành những khoa học gia không gian trọng yếu. Trong hình, đứng sau Giáo sư Longuski là Giáo sư Jordi Puig-Suari, cựu sinh viên Tiến sĩ của Giáo sư Longuski, rồi đến anh Brian Biswell, sinh viên Tiến sĩ của Giáo sư Puig-Suari. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh quả đã thành công trong cương vị một nhà giáo lỗi lạc, có sinh viên thành đạt ở nhiều nơi trên thế giới.
 
Theo những người có hoàn cảnh tiếp xúc, Giáo sư Vinh luôn luôn thao thiết nghĩ đến đất nước và dân tộc Việt Nam. Trong cuốn “Kỷ niệm về Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh” xuất bản năm 2008, Luật sư/Tiến sĩ Lâm Lễ Trinh cho biết:
“Anh Vinh đã tâm tình với tôi rằng bằng đủ mọi cách phải xây dựng và bảo vệ giới trẻ Việt Nam, vì giới trẻ là nhịp cầu cần thiết giữa Dĩ vãng và Tương lai, là động cơ phát triển chính yếu, và sẽ thật sự đổi mới Đất nước… Từ Hoa Thịnh Đốn cho đến Miami, Montréal, San Diego, và Seattle, anh không ngớt nhắc nhở các người trẻ, ‘Thành công không nằm ở việc đỗ đạt, có bằng cấp cao, có địa vị lớn trong xã hội, mà còn ở chỗ có một tấm lòng, một tâm hồn đẹp, biết làm tròn phận sự cho hướng đi hay mục tiêu của mình,’ và nhắc nhở, cổ võ mọi người đừng bao giờ quên bản sắc của mình là người Việt Nam.”
 
Trong thời gian dạy ở University of Michigan, Giáo sư Vinh đã tích cực vận động và tận lực hỗ trợ cho việc mở các lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên của trường. Năm 1999, Ban Tổ chức Giải Khuyến học tại thành phố St Louis, tiểu bang Missouri, đổi tên giải thưởng hàng năm, thiết lập từ 1992, thành “Giải Khuyến học Truyền thống Nguyễn Xuân Vinh” (Nguyen Xuan Vinh Scholarship Foundation). Trong các giải thưởng được trao tặng, giải cao quý nhất dành cho học sinh nào hội đủ các yếu tố học giỏi, có tinh thần phục vụ cộng đồng, và có tinh thần Việt Nam, được mang tên “Giải Truyền thống Nguyễn Xuân Vinh.”
 
Trong bài “Thiên chức của nhà giáo,” Giáo sư Vinh kể lại một cách thích thú những năm dạy ở Trung học Võ Tánh, Nha Trang, các Trung học Petrus Ký và Chu Văn An Sài Gòn (tuy chỉ có 4 giờ một tuần). Giáo sư cũng cho biết trong những lần được mời đi thuyết trình ở các nơi, ông “thường dành thì giờ để qua những tổ chức cộng đồng, hầu có dịp tiếp xúc với các học sinh và sinh viên trẻ mà tôi nghĩ sẽ là những người lãnh đạo một đất nước Việt Nam tươi sáng trong tương lai.” Trong bài “Những hùng văn trong sử Việt,” giáo sư giới thiệu và nhận định về những áng văn, những bài thơ đề cao tinh thần quốc gia, dân tộc lưu lại từ ngàn xưa, cốt để phát triển niềm hãnh diện và tinh thần yêu nước của thế hệ người Việt trẻ.
 
Sau 10 năm phục vụ trong quân ngũ mà nhiệm vụ cuối cùng là chỉ huy một quân chủng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sau hơn 30 năm trong ngành nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức với phạm vi và ảnh hưởng ở tầm mức quốc tế, Giáo sư Vinh hướng đến giới trẻ Việt Nam khi viết “Thiên Chức của Nhà Giáo.” Điều ấy khiến chúng ta nhớ đến câu “tiến vi quan, đạt vi sư” (tiến lên làm quan, thành đạt làm thầy)*. Theo nhận xét của người viết những dòng này, câu ấy thích hợp một cách tuyệt hảo với Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.
                                                                                  
Tháng 12-2017                                                                                     
Trần Huy Bích
 
*Câu này cũng có chỗ chép là “tiến vi quan, thoái vi sư” (tiến lên làm quan, lui về làm thầy).